Nguy cơ hỏng mắt do viêm nội nhãn

Bạn đọc Trần Thu Thuỷ, thôn 1, xã Dân Chủ, Hoành Bồ có địa chỉ mail: thuythuhb@gmail.com, hỏi: “Tôi nghe nói bệnh viêm nội nhãn rất nguy hiểm, tôi lại hay mắc các bệnh về mắt nên khá lo. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi về căn bệnh này. Tôi xin cảm ơn!”.

Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội để tư vấn giúp bạn.

– Thưa bác sĩ, bạn đọc có hỏi về bệnh viêm nội nhãn. Bệnh này là thế nào và triệu chứng ra sao?

– Viêm nội nhãn (VNN) là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn, hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. Bệnh thường được chia làm 2 loại: Ngoại sinh và nội sinh. VNN ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn… đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Trong khi đó, VNN nội sinh lại xuất hiện bởi vi khuẩn lây lan từ các cơ quan khác của cơ thể theo đường máu. Bệnh thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa thu đông, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nó có thể diễn tiến rất nhanh, trong vòng 24 giờ.

Biểu hiện của VNN có thể là đau nhức mắt (thường đau tăng lên khi vận động nhãn cầu), giảm thị lực, chảy nước mắt, đau đầu, đỏ mắt, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh mắt. Nếu VNN do vi khuẩn thường biểu hiện rầm rộ của một tình trạng viêm cấp tính: Bệnh nhân nhìn mờ nhiều, có thể chỉ còn nhận thức ánh sáng hoặc không; kèm theo là dấu hiệu chói mắt, cộm mắt (trẻ nhỏ thường lấy tay che mắt hoặc quay mặt vào chỗ tối). Bên cạnh các triệu chứng điển hình trên, bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. VNN giai đoạn đầu, hoặc những thể viêm âm thầm có thể không đau, không có mủ tiền phòng nên chẩn đoán xác định sẽ gặp khó khăn.

– Bệnh có nguy hiểm không và điều trị ra sao, thưa bác sĩ?

Xem thêm

+ VNN là tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề nhất trong điều trị nhãn khoa với tỷ lệ điều trị thành công là rất thấp. Bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ khoảng 55% trường hợp đạt được thị lực cuối cùng là 1/10 hoặc kém hơn. Một số trường hợp nặng hơn, mủ ăn lan hết nhãn cầu thì buộc phải bỏ mắt để loại trừ vi khuẩn không lan ra chỗ khác (lên não gây viêm tắc mạch xoang hang, vào máu gây nhiễm khuẩn huyết). Nếu việc điều trị không đáp ứng với kháng sinh, thị lực của bệnh nhân sẽ khó có thể hồi phục.

Thời gian điều trị dài hay ngắn tuỳ thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Trung bình, một đợt điều trị VNN cấp tính khoảng 2-3 tuần. Những di chứng có thể là vẩn đục pha lê thể, tăng nhãn áp, thậm chí bị hỏng mắt vĩnh viễn.Vì thế, nếu thấy có biểu hiện bệnh ở mắt, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa mắt ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.

– Với mức độ nguy hiểm như vậy, cách phòng bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?

+ Để phòng bệnh, người dân phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ như đã nói trên và không được tự ý mua thuốc điều trị.

Khi đã chẩn đoán chắc chắn các bệnh đơn giản như: Viêm kết mạc dị ứng, đau mắt đỏ, chắp, lẹo.. không nên lạm dụng thuốc điều trị như: Tiêm, truyền kháng sinh, chống viêm, tiêm cạnh nhãn cầu… nó không thể cắt bỏ diễn biến tự nhiên của bệnh, mà còn mang lại những hậu quả không lường.

– Xin cảm ơn bác sĩ!

TT Truyền thông GDSK theo Báo Quảng Ninh

Related Posts

Add Comment