Ung thư là một thuật ngữ được dùng để chỉ các loại bệnh có tính chất đặc trưng là sự phân chia các tế bào một cách bất thường, không kiểm soát và có thể xâm lấn sang các mô cơ quan khác. Các tế bào ung thư có thể lan truyền đến các vùng khác nhau của cơ thể nhờ di chuyển qua hệ thống máu và bạch huyết.
Ung thư không phải là một bênh duy nhất mà là một tập hợp của nhiều bệnh. Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Hầu hết các loại ung thư được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào khởi nguồn của nó – chẳng hạn như ung thư có xuất phát từ đại tràng được gọi là ung thư đại tràng; ung thư xuất hiện đầu tiền ở các tế bào đáy được gọi là carcinoma tế bào đáy
Các loại ung thư được sắp xếp vào các nhóm lớn. Có các nhóm ung thư chính sau đây:
- Carcinoma: là loại ung thư xuất phát từ da hoặc từ các mô lát mặt trong hoặc bao phủ mặt ngoài của các cơ quan nội tạng. (Xem thêm bài Carcinoma)
- Sarcoma: là loại ung thư xuất phát từ xương, sụn, mỡ, cơ, các mạch máu, và những mô liên kết hoặc nâng đỡ khác. (Xem thêm bài Sarcoma)
- Bệnh bạch cầu (leukemia) : là loại ung thư xuất phát từ các mô tạo máu, chẳng hạn như tủy xương và tạo ra một lượng lớn các tế bào máu bất thường. (Xem thêm bài Bệnh bạch cầu (leukemia))
- Ung thư bạch huyết (lymphoma) và myeloma: là loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch. (Xem thêm bài Ung thư bạch huyết (lymphoma) và bài Myeloma (u tủy))
- Ung thư hệ thần kinh trung ương: là loại ung thư bắt nguồn từ các mô của não và tủy sống. (Xem thêm bài U hệ thần kinh trung ương ở người lớn và U hệ thần kinh trung ương ở trẻ em)
Nguồn gốc của ung thư
Tất cả các loại ung thư đều xuất phát từ các tế bào, là đơn vị cơ bản của sự sống. Để hiểu được ung thư, cần phải hiểu được điều gì xảy ra khi các tế bình thường trở thành các tế bào ung thư.
Cơ thể được tạo thành bởi nhiều loại tế bào khác nhau. Các tế bào này phát triển và phân chia một cách có kiểm soát để tạo ra thêm nhiều tế bào hơn giúp cho cơ thể được khỏe mạnh. Khi các tế bào trở nên già cỗi hoặc bị tổn thương, chúng sẽ chết đi và được thay thế bởi các tế bào mới.
Tuy nhiên, đôi khi quá trình già đi này bị trục trặc. Vật liệu di truyền (DNA) của tế bào có thể bị tổn thương hoặc thay đổi, gây ra những đột biến tác động đến sự phát triển và phân chia bình thường của tế bào. Khi hiện tượng này xảy ra, các tế bào cũ sẽ không chết đi khi cần thiết và các tế bào mới sẽ được tạo ra mặc dù cơ thể không cần đến chúng. Các tế bào dư thừa này có thể tạo ra một khối mô được gọi là khối u.
Không phải tất cả các khối u đều là ung thư; các khối u có thể lành tính hoặc ác tính.
- Khối u lành tính không phải là ung thư. Thông thường chúng có thể cắt bỏ được và không xuất hiện trở lại trong hầu hết các trường hợp. Các tế bào trong các khối u lành tính không lan tràn sang những vùng khác của cơ thể.
- Khối u ác tính chính là ung thư. Các tế bào trong những khối u này có thể xâm lấn sang những mô lân cận và lan tràn sang những vùng khác của cơ thể. Sự lan tràn của ung thư từ một vùng sang những vùng khác của cơ thể được gọi là sự di căn.
Một số bệnh ung thư không tạo thành khối u. Chẳng hạn như leukemia là loại ung thư của tủy xương và máu.
Theo US national institutes of health – Y học NET dịch