Dưỡng sinh hiện nay được coi là phương pháp giúp đem lại sức khỏe thể xác và tinh thần cho con người. Tuy nhiên cần phải hiểu rõ về phương pháp này để có được hiệu quả cao nhất trong mỗi bài tập.
Đặc điểm của một bài tập dưỡng sinh
Để lựa chọn bài tập dưỡng sinh cho hiệu quả, người tập cần chú ý đến ba đặc điểm của bài tập: vùng tác động, cường độ vận động, phương pháp tập. Tùy vào mục tiêu rèn luyện, độ tuổi của người tập và những bệnh lý liên quan mà người tập chọn bài tập phù hợp cho mình.
– Vùng tác động: bao gồm các vùng sau: (1) tác động vào hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh thực vật, (2) tác động đến cột sống, (3) tác động đến nội tạng, (4) tác động đến cơ gân khớp.
– Cường độ vận động: được xác định dựa trên mức độ dùng lực của bài tập nhiều hay ít, thời gian tập trong bao lâu.
– Phương pháp tập: đảm bảo có đủ ba phương pháp: (1) phương pháp vận động: vận động cơ gân khớp, (2) phương pháp thở (thở bụng), (3) phương pháp thả lỏng (thư giãn).
Các loại hình tập luyện
– Tập tĩnh: là phương pháp dành cho tuổi trung lão niên và người có bệnh mãn tính, lấy tập hệ thần kinh, tập nội tạng là chính, chủ yếu sử dụng phương pháp thở và phương pháp thả lỏng (dụng khí – ý).
– Tập động: là phương pháp dành cho tuổi thanh thiếu niên và người khỏe mạnh , lấy tập sức là chính, chủ yếu sử dụng phương pháp vận động cơ gân khớp và phương pháp thở (dụng lực – khí).
– Tập động và tĩnh kết hợp: là phương pháp dành cho mọi lứa tuổi , tập phối hợp ba phương pháp vận động, thở và thả lỏng (dụng lực – khí – ý).
Do đó để đảm bảo việc tập luyện có hiệu quả, bạn cần chọn bài tập phù hợp với thực trạng cơ thể và mục đích mà mình hướng đến và lưu ý đến vấn đề cường độ tập luyện của bài tập cũng phải phù hợp với sức khỏe vì yếu tố này thường do độ tuổi quyết định . Chúc bạn có một bài tập dưỡng sinh hiệu quả nhất!