Bệnh hạt cơm và cách phòng tránh

Bệnh hạt cơm hay còn gọi là mụn cơm, mụn cóc là một bệnh ngoài da tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người mắc và có khả năng lây bệnh cao.

Bệnh hạt cơm do vi rút gây u nhú ở người có tên Papovavirus thuộc nhóm HPV gây ra. HPV có khoảng trên 100 tuýp, mỗi tuýp gây bệnh liên quan tới mỗi vùng da, tổ chức riêng biệt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới nhưng thường gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi, người già hiếm gặp hơn và ít gặp hơn nữa là trẻ sơ sinh.

Hạt cơm có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên da, niêm mạc, cơ quan sinh dục, vùng hậu môn… và gồm các dạng chính là  hạt cơm thông thường, hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay, hạt cơm phẳng, hạt cơm hậu môn, sinh dục. Về cách nhận biết các dạng hạt cơm, thạc sĩ bác sĩ Hoàng Quỳnh Hoa  – Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết:

Hạt cơm thông thường: Do HPV tuýp 2,4,27 và 29 gây nên. Thương tổn lúc đầu là sẩn nhỏ, giống màu da, bề mặt sần sùi thô ráp, cứng, chắc, nhô cao hơn bề mặt da. Vị trí khu trú của hạt cơm ở bất kì vị trí nào trên da, hay gặp nhất là ở mu bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân. Hạt cơm không gây đau, trừ khi ta bóp vào hoặc ấn mạnh vào hạt cơm.

Hạt cơm lòng bàn chân: Chủ yếu do HPV tuýp 1 gây nên, có một vài tuýp khác gây bệnh nhưng ít gặp hơn. Thương tổn lúc đầu là u hoặc sẩn sừng đường kính 2mm đến 10mm, không nhô cao khỏi mặt da, màu xám , khô nhám. Trên có những gai nhỏ, xung quanh có viền dày sừng màu vàng trong. Vị trí thường gặp là ở vùng chịu áp lực của lòng bàn chân, đa phần  ở một phần ba trước lòng bàn chân. Hầu hết hạt cơm lòng bàn chân đều gây đau mỗi khi đi lại hoặc bóp vào 2 bên thương tổn.

Hạt cơm phẳng: Do HPV tuýp 3, 10, 28 và 49 gây nên. Thương tổn là những sẩn dẹt, phẳng hơi gờ nhẹ trên mặt da, ít sần sùi, kích thước nhỏ 1mm đến 5mm, hình tròn hoặc đa giác, màu như màu da hoặc hơi vàng xám, ranh giới rõ, hay lan theo vết gãi tạo nên những sẩn xắp xếp thành đường thắng gọi là dấu hiệu Koebner. Vị trí thường gặp ở mặt, mu tay, cẳng tay, cẳng chân và phần trên của ngực.

Hạt cơm hậu môn, sinh dục còn gọi là sùi mào gà: Thường do HPV tuýp 6 và 11 gây nên. Ngoài ra còn một số tuýp khác như 16, 18, 42, 44, 54…. Đây là nhóm bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thương tổn là các sẩn nổi cao, trên có các nhú mềm màu hồng tươi giống như các tinh thể nhô lên, xòe rộng ra giống mào con gà hay giống súp lơ, không ngứa, không đau. Vị trí hay gặp là da và niêm mạc vùng sinh dục, hậu môn; ít gặp hơn là niêm mạc miệng, họng.

Bệnh hạt cơm rất dễ lây lan. Bệnh có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với da qua những tổn thương nhỏ trầy xước hoặc cào, gãi dễ tạo điều kiện do vi rút xâm nhập. Hoặc lây nhiễm vi rút có thể gián tiếp qua các vật dụng bị nhiễm vi rút như dụng cụ cầm tay, đi chung giày dép, dùng chung đồ sinh hoạt, hồ bơi, nhà tắm công cộng.

Nếu bệnh nhân gãi hoặc chà xát sẽ tạo thành vệt lan theo đường gãi, gây nhiễm trùng da. Với các bệnh nhân nữ có thói quen cạo lông chân, có thể làm lây lan các mụn dày đặc…Những người bị suy giảm miễn dịch như bị bệnh AIDS, ghép tạng…dễ bị hạt cơm nhiều và lan rộng hơn.

Bệnh hạt cơm tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không điều trị sớm, để lâu hạt cơm sẽ mọc nhiều, lan rộng. Khi mắc bệnh hạt cơm, nhiều người đã tự ý chữa bệnh tại nhà bằng các phương pháp dân gian, thạc sĩ bác sĩ Hoàng Quỳnh Hoa khuyến cáo: “Có một số phương pháp dân gian được áp dụng để điều trị bệnh hạt cơm như: Dùng lá tía tô; tỏi; vỏ chuối; đu đủ xanh; cây lô hội hoặc tinh chất trà xanh. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp dân gian điều trị hạt cơm cần thực hiện một cách kiên trì, đều đặn sẽ cho kết quả tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp trên chỉ phù hợp với những hạt cơm, mụn cóc ở vị trí dễ xử lý và khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Những trường hợp hạt cơm ở vị trí nhạy cảm, bệnh nhân không được tự ý điều trị bằng phương pháp này mà nên đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu để điều trị một cách khoa học, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc”.

Hiện nay, để điều trị bệnh hạt cơm, các bác sĩ thường dùng phương pháp phá hủy gốc hạt cơm, thạc sĩ bác sĩ Hoa cho biết thêm: “Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng một số phương pháp hay dùng là thuốc bôi tại chỗ: A xít Salycylic 15-40%: dung dịch Duofilm; A xít Trichloracetic: dung dịch a xít Trichloracetic 33%; Podophyllin 25%; Kem Imiquimod 5%; Kem Tretinoin : Locacid 0,05-0,1%. Các thủ thuật khác: Đốt điện; Đốt bằng Laser CO2; Liệu pháp lạnh là phương pháp áp Nitơ lỏng lạnh – 1960C vào hạt cơm”.

Để phòng tránh bệnh hạt cơm, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần phải tránh tiếp xúc, không nên cào hay gây tổn thương hạt cơm đã xuất hiện. Những hạt cơm ở vùng hậu môn sinh dục có thể gây lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, vì thế phải dùng bao cao su khi quan hệ để tránh nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó phải vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Khi trên da xuất hiện hạt cơm, không được tự ý cào, tẩy, bóc dễ làm tổn thương và nhiễm khuẩn. Nếu đã bị hạt cơm, tốt nhất cần tới bác sỹ da liễu để khám và điều trị càng sớm càng tốt. 

Hải Ninh – TT Truyền thông GDSK

Related Posts

Add Comment