Bệnh glôcôm thường được người dân gọi là bệnh thiên đầu thống, đây là một trong những bệnh về mắt rất nguy hiểm. Nếu người mắc bệnh thiên đầu thống không được phát hiện và cấp cứu ban đầu kịp thời thì sau 2 đến 3 ngày có thể mù mắt vĩnh viễn.
Hiện nay, bệnh đang có chiều hướng gia tăng nhưng người dân vẫn mơ hồ về căn bệnh này. Để hiểu rõ hơn về bệnh thiên đầu thống, phóng viên Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết bệnh thiên đầu thống là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào?
Bs Nguyễn Văn Lân: Bệnh thiên đầu thống là bệnh tăng nhãn áp của nhãn cầu còn gọi là bệnh glôcôm. Giai đoạn toàn phát biểu hiện các triệu chứng: Nhãn áp cao trên 25mmHg, tầm nhìn thu hẹp, lõm đĩa thần kinh thị giác. Đây là bệnh đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây mù sau bệnh đục thể thủy tinh.
Bệnh nguy hiểm vì không có một loại thuốc hoặc phẫu thuật nào có thể làm phục hồi những tổn thương do bệnh gây ra và dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn không hồi phục.
Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh thiên đầu thống, thưa bác sĩ?
Bs Nguyễn Văn Lân:Những yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh như: Bệnh thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ mắc phải bệnh này nhiều hơn gấp hai lần so với nam giới và chủ yếu ở độ tuổi trung niên.
Những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.
Hiện tượng đau đầu, thường đau 1 bên đầu hay còn gọi là đau nửa đầu, mức độ đau đầu nghiêm trọng, thường có thể dẫn tới nôn mửa. Mức độ đau đầu thường không xảy ra liên tục, có thể xảy ra 1 đến 2 lần/1 tháng, có người thì xảy ra 3 hoặc 4 lần/năm và tùy theo mỗi người.
Ngoài ra, một số người có thể có nguy cơ mắc thiên đầu thống cao hơn mọi người bình thường, đó là những người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp, đục thủy tinh thể, các bệnh chấn thường về mắt…. những bệnh này đều có thể có biến chứng trở thành thiên đầu thống.
Phóng viên: Những biểu hiện sớm của bệnh thiên đầu thống và cách xử trí ban đầu tại cộng đồng như thế nào, thưa bác sĩ?
Bs Nguyễn Văn Lân:
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh thiên đầu thống:
Đau nhức mắt, lan nửa đầu cùng bên.
Đau đầu âm ỉ, nhức nhối.
Thị giác kém, tầm nhìn bị thu hẹp, nhức mắt, chảy nước mắt.
Buồn nôn, chán ăn.
Sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
Tính khí thay đổi.
Xử trí ở cộng đồng: Bệnh thiên đầu thống là một cấp cứu nhãn khoa. Người bệnh được điều trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều thuốc hạ nhãn áp với những cơ chế tác động khác nhau: pilocarpin 1%, 2%, Timolol 0,25%, 0,5%, betoptic S, alphagan P, travatan 0,004%, lumigan, azopt, acetazolamid 250mg, glyxerol, manitol… Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa.
Phóng viên:Việc phát hiện và xử trí ban đầu đúng cách có hiệu quả như thế nào trong điều trị bệnh thiên đầu thống, thưa bác sĩ?
Bs Nguyễn Văn Lân:
Điều trị đúng và kịp thời giúp làm bình ổn nhãn áp không gây tổn thương thần kinh thị giác.
Bác sỹ nhãn khoa sẽ căn cứ vào hình thái của bệnh để điều trị bằng phẫu thuật hoặc nội khoa một cách thích hợp.
Bệnh thiên đầu thống không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị thiên đầu thống là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác gây mù lòa vĩnh viễn.
Phóng viên: Để chủ động phòng bệnh thiên đầu thống, bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân
Bs Nguyễn Văn Lân:
Người đã biết mình bị thiên đầu thống nên theo dõi đều đặn nhãn áp 3-4 tháng/lần suốt đời, có sẵn thuốc uống, tra ngừa cơn cấp do thầy thuốc chỉ định.
Khi có tiền sử gia đình bị thiên đầu thống thì mọi người trong gia đình cần khám chuyên khoa mắt để phát hiện bệnh thiên đầu thống từ khi chưa có những biểu hiện đầu tiên.
Với những người bị tăng huyết áp, thì khi huyết áp tụt đột ngột có thể tạo cơ hội thuận lợi để bùng phát cơn thiên đầu thống.
Người chưa biết mình có thiên đầu thống nên căn cứ vào các dấu hiệu đau nhức mắt, nhìn mờ dần, có những đợt, những lúc nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ thì nên đến khoa mắt để đo nhãn áp và làm các xét nghiệm phát hiện bệnh.
Bệnh thiên đầu thống có thể biểu hiện với các triệu chứng rầm rộ nhưng lại cũng có thể chỉ là những triệu chứng âm thầm, không gây chú ý. Vì vậy, nếu ở tuổi trên 35, khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ như nhức mỏi, nhìn mờ thì nên đi khám mắt ngay để được đo nhãn áp.
Người trên 40 tuổi, tuy không có dấu hiệu gì, cũng nên đo nhãn áp định kỳ 3 – 6 tháng một lần để xem nhãn áp có cao không, nhất là với những người có khả năng mắc bệnh cao như đã nêu ở trên.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin rất bổ ích!
Hải Ninh –TT Truyền thông GDSK