Thanh, thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng và trưởng thành về tâm sinh lý và nhân cách. Giai đoàn này các em chịu tác động và ảnh hưởng không nhỏ của gia đình, môi trường sống và giáo dục của nhà trường, xã hội nên hay học đòi như hút thuốc lá theo các bạn mà không biết rằng hút thì rất dễ nhưng để bỏ thuốc thì là cả một cuộc chiến gian nan. Hơn nữa các em cũng không phải là tuổi để nghĩ và hiểu về những hậu quả của khói thuốc lá gây ra.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, vô sinh…. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá tai Việt Nam vẫn rất cao như: Tỷ lệ nam trên 15 tuổi hút thuốc có 15,3 triệu người chiếm 47,4%, như vậy trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc, 38 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ: Theo điều tra năm 2010, 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20 đa số là do sự hiểu biết cụ thể về tác hại của thuốc lá còn hạn chế, kiến thức của mọi người dân trong đó có các em thanh, thiếu niên chưa được trang bị một cách đầy đủ. Thuốc lá đang xâm chiếm và từng bước làm nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho chính người sử dụng nó và cho ngay cả những người xung quanh hàng ngày hít phải khói thuốc lá. Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ và tất nhiên sẽ làm mất dần chất xám của dân tộc Việt Nam, lứa tuổi mà hiện nay chúng ta đang rất cần xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng.
Trước thực trạng đó, công tác phòng, chống hút thuốc lá là một vấn đề bức thiết, hơn ai hết đối tượng đáng được quan tâm nhất là các em thanh, thiếu niên để góp phần đẩy lùi tình trạng này không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường mà nó cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cần phải có chế tài nghiêm khắc với việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và cần có những việc làm mạnh tay hơn của các sở, ban, ngành chức năng trong việc phòng, chống hút thuốc lá. Cần tích cực tuyên truyền, giáo dục về tác hại thuốc lá tới học sinh, sinh viên thông qua các diễn đàn hoặc sân khấu hóa, đồng thời tổ chức các hoạt động thu hút học sinh, sinh viên tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, để mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến bạn bè, người thân của mình. Phụ huynh, thầy giáo, cô giáo, những người xung quanh luôn gương mẫu chấp hành nghiêm những quy định về không hút thuốc lá để làm gương cho các em.
Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và đặc biệt là các bạn thanh, thiếu niên chúng ta hãy cùng nhau ra sức thực hiện lộ trình tiến tới xây dựng một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp – Không khói thuốc lá và cương quyết “Nóikhông với thuốc lá”.
Phạm Mạnh Hùng – Trung tâm Truyền thông GDSK