Có một vị GS khi nghỉ hưu được mời làm thêm tại một BV tư nhân Hà Nội. Sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, ông đã vội xin nghỉ vì chứng kiến những việc trắng trợn “ăn bớt” xét nghiệm của người bệnh. Ông kể:
“Có một công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên. Sau khi kết quả khám sức khỏe được gửi về công ty, lãnh đạo công ty đó đã ‘nổi giận’ vì có 7 nhân viên nữ trong một phòng cùng có thai đúng thời điểm công ty đang có nhiều đơn hàng. Ông giám đốc này đã truy hỏi 7 cô nhân viên thì có 6 cô “ngã ngồi” khi nghe tin mình có thai, chỉ có 1 cô thừa nhận mình đang mang bầu.
Thế nên, thấy có điều bất thường, công ty này đã yêu cầu BV làm rõ. Khi bị bại lộ, BV vội vã làm lại xét nghiệm cho 7 cô nhân viên thì kết quả chỉ có 1 cô đang mang thai tháng thứ hai.
Chỉ đến khi câu chuyện vỡ lở, mấy nhân viên ở khoa xét nghiệm đó có ý đồ kiếm chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi ”nhân bản” cho cả 7 cô. Thật đáng tiếc, nước tiểu của người được xét nghiệm lại chính của cô đang có bầu. 6 cô nhân viên ”bỗng dưng” mang bầu đã được minh oan và ông sếp đó tuyên bố ”cạch mặt” BV đó.”
Có một sự thật khó chấp nhận, những khuất tất trong việc làm xét nghiệm tại các BV mà thường là các BV ở các huyện ngoại thành, BV tư nhân, phòng khám tư… rất khó phát hiện, chỉ những người “trong chăn” mới tỏ tường.
Vị GS này chia sẻ thêm: Việc khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để đi lao động xuất khẩu… thường bị “ăn bớt” rất tinh vi.
Hiện nay, sự cạnh tranh giữa các BV nên việc đưa ra giá tiền cho mỗi gói khám khác nhau. Những người đại diện của các đơn vị đi tìm BV để tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên luôn chọn BV nào có giá rẻ nhất hoặc có tỉ lệ hoa hồng cao nhất. Để được chọn, không ít BV đã hạ giá xuống mức thấp.
Chấp nhận mức giá thấp đó nhưng vẫn phải có lãi lớn nên BV tìm mọi cách để giảm chi phí như mua lại máy xét nghiệm đã qua sử dụng, mua các loại hóa chất, vật tư xét nghiệm rẻ tiền, mỗi que thử chẻ làm đôi để dùng cho 2 người và thậm chí “nhân bản” xét nghiệm.
Những chuyện mà vị GS này kể, vì lý do tế nhị nên không có bằng chứng cụ thể, không rõ tên BV nào, nhưng điều này chắc chắn là đang tồn tại.