Ngừa bệnh cho trẻ trong mùa hè

Tuy chưa vào mùa nhưng các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác như Rubella, thủy đậu… đều gia tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số bệnh đã có văcxin phòng như Rubella, còn bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết người dân có thể tự phòng với những phương pháp đơn giản.

Đến nay, tại TP.HCM sốt xuất huyết tăng hơn 94% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hơn 3.000 trường hợp mắc bệnh này. Trong đó có hai trường hợp tử vong. Dù được xử lý các ổ dịch, phun xịt thuốc diệt lăng quăng, giám sát phát hiện sớm ca bệnh… từ cơ quan y tế cơ sở nhằm giảm các ca sốt xuất huyết, nhưng các gia đình phải tự phòng chống bệnh bằng các biện pháp rất đơn giản. Đó là dọn dẹp môi trường nơi trẻ vui chơi, nhà cửa thông thoáng, tránh để các lu, khạp, vật dụng đọng nước khiến lăng quăng, muỗi có điều kiện phát triển; cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày…

Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu về sốt xuất huyết cần đưa vào viện sớm: sốt cao hơn hai ngày; bứt rứt; lăn lộn, li bì, nói sảng; chảy máu răng, máu cam, hay ói ra máu; đi cầu phân đen; đau bụng, nôn ói; tay chân lạnh; lừ đừ nằm một chỗ, bỏ ăn, bỏ bú… nên thực hiện chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Chích ngừa

Phụ huynh thường lơ là việc chích văcxin phòng bệnh và môi trường ẩm ướt mùa hè là điều kiện bệnh Rubella dễ lây lan. Rubella lây truyền qua đường hô hấp, khi người lành hít phải những giọt dịch tiết đường mũi họng từ nước bọt, nước mũi có chứa virus của người bệnh qua tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, hoặc tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi… có dính chất tiết mũi họng của người bệnh. Rubella mắc phải trên cả người lớn và trẻ em.

Khi phát hiện bệnh, người bệnh không tiếp xúc với người lành ngay từ lúc bắt đầu phát ban cho đến 7-14 ngày sau khi phát ban. Trẻ em khi mắc bệnh sẽ là nguồn lây nhiễm cho cả cộng đồng, trong đó có phụ nữ đang mang thai. Theo nhiều nghiên cứu, gần 90% trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 12 tuần đầu thai kỳ sẽ có biểu hiện hội chứng Rubella bẩm sinh với các dị tật như: chậm phát triển tâm thần, đục thủy tinh thể mắt, điếc, dị tật bẩm sinh ở tim và nhiều khuyết tật các cơ quan khác nữa. Các bà mẹ mắc Rubella trong thời gian này còn có nguy cơ cao sẩy thai, sinh non hay thai chết lưu.

Rửa tay

Bệnh tay chân miệng đã xảy ra tại 24 quận huyện ở TP.HCM, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Từ đầu năm đến cuối tháng năm, tại TP.HCM đã có khoảng 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chín trẻ tử vong. Biểu hiện đầu tiên của bệnh thường đơn giản với những nốt bóng nước nổi tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng… nhưng rất dễ dẫn đến biến chứng nặng nề, sau đó là biến chứng lên tim mạch và thần kinh. Nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ dẫn đến trẻ tử vong.

Vệ sinh sạch sẽ là cách phòng bệnh tay chân miệng như: rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy trước khi chế biến thức ăn, chăm sóc trẻ; rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng nước và xà bông, khử trùng trong 10 phút với dung dịch cloramin B 2%, hoặc với nước javel 0,5%; vệ sinh nhà cửa và môi trường – khử trùng bằng các dung dịch trên mỗi khi nhiễm bẩn bởi dịch tiết từ bóng nước, nước bọt, dịch nôn ói, phân của trẻ mắc bệnh. Đối với những trẻ mắc bệnh thì cách ly trẻ tại nhà khoảng 10 ngày; rửa tay ngay sau khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh; vệ sinh, khử trùng môi trường nơi nghỉ của trẻ bệnh; ăn thức ăn đã qua nấu chín, uống nước đã đun sôi…

Bệnh sốt xuất huyết còn tăng

Tuần qua, bệnh sốt xuất huyết ở Tiền Giang tiếp tục gia tăng, trong đó có một bé gái 7 tuổi ở xã Hậu Mỹ Trinh, Cái Bè tử vong. Tại khoa nhi Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang ngày 20-6 có 18 ca sốt xuất huyết đang nằm điều trị, trong đó có sáu ca nặng.

Tính từ đầu năm đến ngày 15-6, tỉnh Tiền Giang đã có hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Theo BS Nguyễn Thị Như Mai, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang, từ nay đến cuối năm bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, sẽ tăng cao trong tháng bảy, tám và chín.

BS Hoàng Thọ Mẫn, giám đốc Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, đã chỉ đạo khoa nhi tiếp tục mở đường dây điện thoại nóng (073) 883999 sẵn sàng trao đổi ý kiến chuyên môn với tuyến trước về sốt xuất huyết; cử bác sĩ, điều dưỡng các bệnh viện huyện và phòng khám đa khoa khu vực đang có nhiều ca mắc bệnh sốt xuất huyết để hỗ trợ, góp ý về chuyên môn.

Related Posts

Add Comment