Ông N.L. nhức mỏi, đi chích thuốc cách đây một tháng. Sau chích ông sốt và đau nhức toàn thân, điều trị giảm sốt ông lại bị đau ngực nên vào TP.HCM nhập viện tại khoa tim mạch.
Nằm khoa tim mạch năm ngày ông có đỡ đau ngực nhưng lại đau bụng, sau khi khám và siêu âm tới lui vài lần, kết quả ông bị ápxe mông phải. Ông được chích kháng sinh và rạch tháo mủ vài ngày sau đó. Khối ápxe khá to, đường rạch dài từ thắt lưng xuống đến gần gối, mủ luồn lách thành nhiều ngách, lấy ra khoảng 800ml mủ.
Sau rạch tháo và làm sạch, ông hết đau ngực, hết đau bụng cũng như toàn thân, hết sốt, dĩ nhiên là còn đau vết mổ. Mỗi ngày phải thay băng một lần mất hơn một tiếng, mất nhiều máu, huyết thanh, đau đớn vô cùng. Ông được truyền máu, nước biển, đạm, dùng kháng sinh và điều chỉnh đường huyết.
Ông N.L. là lái xe, 55 tuổi, bị đái tháo đường năm năm trước. Do tính chất công việc phải thường xuyên đi đó đây, ông lại chủ quan uống thuốc bữa đực bữa cái nên đường huyết kiểm soát kém, với mức đường huyết trung bình cao (Hb A1C 14%, bình thường chỉ khoảng 6-7%). Khi đường huyết tăng cao thường bị đau nhức mơ hồ, ông lại đi chích thuốc. Chích thuốc bị nhiễm trùng không phát hiện, vì người bệnh đái tháo đường mất hoặc giảm cảm giác đau toàn thân hoặc một số vùng trên cơ thể nên phát hiện chậm. Khi nhiễm trùng không phát hiện được, vi trùng sẽ ăn luồn vào trong tạo khối ápxe to, có thể gây nhiễm trùng huyết nguy kịch.
Ông N.L. cần rất nhiều thời gian để vết thương sạch trùng, mọc mô hạt, tái tạo và khâu lại vết thương. Nếu mọi việc suôn sẻ có lẽ mất đến bốn tháng. Hơn nữa, ông cần đến hai người con rể phải nghỉ làm nuôi ông vì ông đi lại và sinh hoạt cá nhân khó khăn. Đó là chưa kể những nguy cơ có thể xảy ra do nằm viện lâu trong tình trạng sức khỏe suy yếu.
QUANG NAM-tuoitre