Gần đây trên facebook đang lan truyền một câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp của một cặp vợ chồng khi đứng ra sơ cứu cho một nạn nhân không may xuất hiện “co giật” trên đường. Theo nhận định của anh chồng, khi thấy nạn nhân bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay… thì anh ấy nghĩ ngay rằng bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, và vì anh ấy đã đọc qua ở đâu đó cách trị bệnh này cho nên đã yêu cầu người xung quanh lui ra, để bệnh nhân nằm bất động và anh ấy bắt đầu sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách dùng kim chích lên 10 đầu ngón tay và nặn từng giọt máu ra. Ngay sau khi chích đầu ngón tay và nặn máu ra, anh ấy mô tả bàn tay bắt đầu mềm và thẳng ra được. Thấy vậy, người đứng xung quanh bắt đầu giúp anh ấy sơ cứu cho bệnh nhân bằng việc tiếp tục chích và nặn máu từ 10 đầu ngón chân, thậm chí anh ấy còn nặn đỏ hai daí tai của bệnh nhân. Khoảng một phút sau những biện pháp sơ cứu đó thì bệnh nhân tỉnh ra và ngưng sùi bọt mép.
Qua tình huống này mình thấy tinh thần tương thân tương ái của cặp vợ chồng trên rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, có một điều mình thấy các bạn không nên nghe theo và cổ súy. Khi đứng trước bất cứ bệnh nhân hôn mê nào, các bạn không nên có lối nhìn nhận và đánh giá áp đặt một cách kém hiểu biết như vậy bởi vì hôn mê là một tình trạng mất ý thức gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, hoặc thậm chí do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng,… và mỗi một bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau. Tất nhiên, trước khi các biện pháp điều trị đặc hiệu được đưa ra thì bệnh nhân hôn mê cần phải được sơ cứu đúng cách nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định (đường thở, hô hấp, tuần hoàn…). Trong trường hợp trên, bệnh nhân được mô tả là bất tỉnh, co giật, sùi bọt mép và co quắp bàn tay…, và khoảng vài phút sau bệnh nhân tỉnh lại là rất phù hợp với bệnh cảnh của một cơn động kinh. Không phải vì chích máu đầu ngón tay thì bệnh nhân mới tỉnh dậy, đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh toàn thể.
Trước đó, trên facebook, trên nhiều diễn đàn và thậm chí nhiều trang thông tin điện tử cũng dẫn lại bài viết “Tai biến mạch máu não. Xin nhớ ba chữ: C. N. G”. Theo đó, “có thể nhận diện sớm tai biến mạch máu não bằng cách hỏi nạn nhân 3 điều đơn giản: C. N. G. Đó là yêu cầu người đó Cười, Nói và Giơ tay lên. Nếu người đó bị trở ngại bất cứ điều nào kể trên, bạn hãy gọi xe cấp cứu ngay tức khắc…”.
Ngoài ra, cũng theo hướng dẫn này, có thể dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một milimét cho đến khi có máu rỉ ra. Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Bước tiếp theo là châm vào hai bên daí tai mỗi bên 2 mũi, cho đến khi máu nhỏ giọt ra. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại.
Nhiều cư dân mạng cho rằng đây là một phương pháp sơ cứu mà mọi người nên biết, nó sẽ cứu được mạng sống của những người bị tai biến mạch mạch máu não.
Qua bài viết này mình nhìn nhận thấy tác giả đã rất khéo léo lồng ghép cách phát hiện sớm đột quỵ não mà trong các tài liệu y khoa về đột quỵ dành cho cộng đồng đã mô tả và hướng dẫn rất chi tiết. Tài liệu y khoa có viết “sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo”, FAST là một thuật ngữ tiếng Anh khi dịch sang tiếng Việt có nghĩa là NHANH, và nó lấy các ký tự đầu của các dấu hiệu và triệu chứng sớm (theo nghĩa tiếng Anh) trong đột quỵ để ghép vào (xem bài ở dưới). Tuy nhiên, khi chuyển tải sang tiếng Việt bằng cụm từ C.N.G. thì mình thấy nó thực sự không có ý nghĩa gì ngoài việc tác giả dùng nó để “lòe bịp”, tạo sự khác lạ và có vẻ khoa học để đánh lừa cộng đồng, và tạo thuận cho việc truyền bá phương pháp chích máu đầu ngón tay không có cơ sở khoa học trong cộng đồng.
SƠ CỨU BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ NÃO
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu bị vỡ khiến máu chảy vảo nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất… hoặc khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến cho dòng máu bình thường lên não bị chặn lại gây thiếu máu hoặc nhồi máu não. Trong vòng vài phút bị tước mất các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm cả oxy, các tế bào não bắt đầu chết – quá trình này có thể liên tục trong một vài giờ tiếp theo.
Cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức. Đột quỵ là một cấp cứu thực sự. Điều trị càng sớm thì càng làm giảm thiểu được các tổn thương não. Tận dụng từng giây từng phút.
Làm thế nào để phát hiện đột quỵ não?
– Trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:
+ Face (mặt) – Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
+ Arms (tay) – Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
+ Speech (lời nói) – Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
+ Time (thời gian) – Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.
Ghi chú: khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG
– Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
+ Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân
+ Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt
+ Đau đầu dữ dội – đau đầu đột ngột – đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng
+ Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác
– Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.
Bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào?
– Đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân:
+ Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn)
– Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 – 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.
– Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất
+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh
– Theo dõi bệnh nhân:
+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.
+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
– Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
– Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Bác sĩ Lương Quốc Chính
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai