Kỹ thuật mới: Cứu sống bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong trái

Kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong thời gian 4,5 giờ đầu kết hợp với kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch có ưu điểm là tận dụng được việc bắt đầu điều trị sớm bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tỷ lệ tái thông cao của kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch.


Bệnh nhân nam, 38 tuổi, vào viện vì tắc hoàn toàn đoạn tận của động mạch cảnh trong trái đã hồi phục gần như hoàn toàn. Ảnh: LQC

Bệnh nhân nam, 38 tuổi, vào viện vì liệt 1/2 người phải. Tiền sử khỏe mạnh. Trước vào viện 2 giờ đột ngột xuất hiện tê và liệt 1/2 người phải. Tình trạng lúc vào có điểm NIHSS (NIH Stroke Scale/Score) rất cao (19 điểm), tức là liệt hẳn/liệt hoàn toàn 1/2 người phải, MSCT mạch não phát hiện tắc hoàn toàn đoạn tận động mạch cảnh trong trái – nếu không làm gì thì có nguy cơ di chứng nặng nề và tử vong rất cao.

Ấy vậy mà sau 1 giờ vào viện (khoa cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) bệnh nhân hồi phục hoàn toàn thế mới lạ. Tại sao vậy?

Ngay khi vào viện, bác sĩ Đào Việt Phương (Dao Viet Phuong) đã nhanh chóng đánh giá và nhận định đây là một trường hợp đột quỵ não và khả năng do tắc mạch máu lớn. Ê kíp cấp cứu đột quỵ não nhanh chóng được khởi động, chỉ trong vòng 30 phút bệnh nhân đã được chụp mạch não (DSA) do bác sĩ Trần Anh Tuấn (Anh Tuan Tran) thực hiện và phát hiện ra tắc hoàn toàn đoạn tận động mạch cảnh trong trái. Sau khi thảo luận nhanh, hai bác sĩ đã xin ý kiến lãnh đạo khoa, PGS. TS. Nguyễn Đạt Anh (Nguyen Khoa Dieu Van), TS. BS. Nguyễn Văn Chi (DrChi Nguyen Van) và chuyên gia cao cấp về đột quỵ não của khoa (TS. BS. Mai Duy Tôn). Kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch đã được thực hiện cho bệnh nhân.

Và, sáng nay đây, bệnh nhân cười phớ lớ bắt tay y bác sĩ

PS: Haizzz, chỉ buồn… mình chẳng có tí công sức nào trong vụ này vì còn mải đi ăn và chơi (cười sảng khoái)

Bác sĩ Lương Quốc Chính

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là facebook.jpg

Tái thông mạch sau nhồi máu não cấp liên quan đến cải thiện kết cục lâm sàng cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Một phân tích gộp từ 53 nghiên cứu trên hơn 2000 bệnh nhân đã cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ tái thông và sự cải thiện kết cục lâm sàng.

Điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong cửa sổ 4,5 giờ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như giảm nguy cơ tàn phế. Tuy nhiên, tỷ lệ tái thông mạch não sau tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch chỉ đạt xấp xỉ 30%. Tỷ lệ tái thông cũng phụ thuộc vào vị trí mạch tắc (< 10% với động mạch cảnh trong, 30% với động mạch não giữa đoạn gần, 42% với động mạch não giữa đoạn xa và 11% với động mạch thân nền). Một hạn chế lớn nữa của tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là cửa sổ thời gian cho điều trị quá ngắn.

Kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc các mạch lớn có ưu điểm là có tỷ lệ tái thông mạch cao, thời gian tái thông nhanh và thời gian điều trị có thể kéo dài tới 6 giờ. Tuy nhiên các nghiên cứu về can thiệp nội mạch công bố trước nằm 2014 đều cho kết quả âm tính và đã lý giải rằng là do việc trì hoãn thời gian điều trị, lựa chọn bệnh nhân không chính xác cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

Kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong thời gian 4,5 giờ đầu kết hợp với kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch có ưu điểm là tận dụng được việc bắt đầu điều trị sớm bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và tỷ lệ tái thông cao của kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch. Cho đến cuối năm 2014 và đầu năm 2015, đã có 5 nghiên cứu được công bố là: MR CLEAN, ESCAPE, SWIFT PRIME, EXTEND IA, REVASCAT đã cho thấy việc kết hợp kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch với kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân nhồi máu não do tắc các mạch não lớn.

Hiện nay, Khoa Cấp cứu và Khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu áp dụng biện pháp điều trị phối hợp này và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Biện pháp phối hợp này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội mới cho bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc các mạch não lớn.

Bác sĩ Đào Việt Phương

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai

Related Posts

Add Comment