Để xóa đói nghèo thành công: Người nghèo phải quyết xóa nghèo

Bộ LĐTB&XH; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), định hướng chiến lược Chương trình mục tiêu Quốc gia về XĐGN giai đoạn 2006 – 2010 phát triển theo hướng bền vững. Từ những mô hình làm tốt của nhiều năm qua cho thấy quan trọng nhất là phải xã hội hóa và khuyến khích cho chính người nghèo có ý chí, quyết tâm vượt nghèo.

Người người, ngành ngành, nhà nhà vào cuộc

Trong bản tham luận gửi về hội thảo XĐGN gần đây do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: “Có thể nói hiếm có quốc gia nào mà XĐGN trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp dân cư và toàn xã hội như ở nước ta…”. Còn ông Lê Truyền Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì cho rằng các khu kinh tế Quốc phòng và phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau nâng cao đời sống, XĐGN làm giàu hợp pháp” là những kinh nghiệm rất tốt cần được phổ biến nhân rộng.

Nói về kinh nghiệm ở các mô hình kinh tế kết hợp với quốc phòng thuộc các xã đặc biệt khó khăn ở Tây Nguyên, Tây Bắc, đại tá Phùng Thế Quảng, Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, cho biết: “Hiện nay Bộ Quốc phòng có 19 đoàn kinh tế Quốc phòng tập trung ở các vùng khó khăn nhất, như vùng trống, thưa dân dọc biên giới Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã xây dựng khu kinh tế Quốc phòng với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từ đó xây dựng thế trận Quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên bộ đội không làm thay mà chủ yếu “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn đồng bào cách làm ăn mới, nên khi bộ đội rút đi, nhân dân làm chủ được trên cánh đồng của mình”.

Xem thêm:

Các binh đoàn 15, 16 đã khai hoang và trồng được 26 nghìn héc-ta cao su, hơn 5.000ha cà phê, 45 nghìn héc-ta điều cao sản, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động người địa phương, phân bố lại vùng dân cư, điển hình là khu dân cư mới với tổng số gần 40 nghìn hộ (trong đó có 6.000 hộ đồng bào dân tộc) ở huyện Esúp (Đắc Lắc), Đắc Rấp (Đắc Nông)… Các đoàn kinh tế Quốc phòng đã giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc, xây dựng mô hình sản xuất, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, triển khai các biện pháp hỗ trợ cho địa phương thoát nghèo có hiệu quả.

Đặc biệt các đoàn kinh tế Quốc phòng còn tổ chức vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa và các bệnh xá của các đoàn kinh tế Quốc phòng là những “Trung tâm” khám, chữa bệnh có hiệu quả nhất ở các vùng đặc biệt khó khăn. Đó là chưa tính đến các bệnh viện quân đội hằng năm tổ chức đi khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch cho hàng trăm nghìn lượt người dân các xã thuộc vùng biên giới, hải đảo.

Về Đoàn kinh tế Quốc phòng 717, tôi gặp già làng Lâm Văn Dua ở xã Thiệu Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ông cho biết: “Bộ đội về giúp dân khai hoang, trồng cà phê, cao su, lúa nước, trình diễn các mô hình vườn cây mẫu. Dân Thiệu Hưng làm theo bộ đội nên bây giờ xã có nhiều hộ giàu có. Anh Điểu Blố gần nhà mình trước không có nhà ở, giờ có 7ha cao su, 1ha lúa nước, có nhà xây, xe máy, ti vi…”

Trong cuộc chiến chống đói nghèo còn phải kể đến sự phấn đấu, vươn lên xóa nghèo làm giàu của các hội viên Hội cựu chiến binh. Đồng chí Trần Hanh, Tổng thư ký Hội cho biết: Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau nâng cao đời sống, XĐGN làm giàu hợp pháp” của Hội phát động cách đây gần 20 năm đến nay đã cơ bản xóa được hộ đói, số hộ CCB nghèo chỉ còn 2,55%, đã có 38 tỉnh, thành phố, 33% xã, 14,5% quận, huyện không còn hộ CCB nghèo. Gần 50% các hộ CCB có mức sống khá trở lên. Các trang trại, các doanh nghiệp của CCB đã thu hút 300 nghìn lao động địa phương góp phần to lớn vào công cuộc XĐGN của đất nước”.

Chuẩn nghèo cho giai đoạn 2006-2010 có tính đến các yếu tố ảnh hưởng (trượt giá, tăng trưởng, thiên tai…). Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 170/2005/QĐ-TTg ngày 8-7-2005, ban hành tiêu chí chuẩn nghèo: Đối với khu vực nông thôn, những hộ có thu nhập bình quân đầu người một tháng từ 200 nghìn đồng trở xuống; Khu vực thành thị, những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 260 nghìn đồng trở xuống. Những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo được xác định là hộ nghèo.

Theo chuẩn nghèo mới, ước tính ở nước ta có khoảng 4,6 triệu hộ nghèo, chiếm 26% số hộ gia đình trên toàn quốc. Vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Tây Bắc (62,3%), Tây Nguyên (52,2%) và thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ (10,8%).

Kinh nghiệm từ các mô hình XĐGN thành công là phải hướng dẫn, vận động cho chính hộ nghèo biết cách làm ăn, tự thoát nghèo. Ví dụ như ở Quân khu 3 đã lấy từ quỹ XĐGN mua cấp giống, trâu, bò, cày bừa… cấp trực tiếp cho hàng nghìn hộ chính sách nghèo. Và đến nay cơ bản các hộ đã thoát được nghèo, thậm chí nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Động lực thoát nghèo

Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đàm Đình Đắc cho biết: “Chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN giai đoạn 2006-2010 đó là: Thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,4 lần so với năm 2005; 4,2 triệu lượt hộ nghèo được tập huấn về khuyến nông, lâm, ngư; 450 nghìn người nghèo được miễn phí học nghề; 15 triệu lượt người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí; học sinh con của gia đình nghèo được miễn học phí, đóng góp xây dựng trường; 170 nghìn cán bộ xóa đói giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn; 500 nghìn gia đình nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm… Để đạt được những mục tiêu này thì việc xã hội hóa công tác giảm nghèo và sự quyết tâm vươn lên xóa nghèo của chính những người nghèo là một trong những động lực quan trọng nhất”.

Đồng chí Thứ trưởng cũng cho rằng từ những kinh nghiệm làm tốt trong công tác XĐGN của các khu kinh tế Quốc phòng đã được nhiều địa phương học tập, nhân rộng. Kết quả hiện nay trong cả nước đã có hàng trăm xã, thôn bản XĐGN có hiệu quả, mà điển hình là mô hình “Hạ sơn”; “Chuyển đổi đất xấu sang trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đại gia súc” ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Với chính sách khuyến khích “hạ sơn” của tỉnh, các hộ người Mông được hỗ trợ vật liệu làm nhà, xây bể nước và kéo điện sinh hoạt; 133 hộ xuống núi tại hai thôn Pả Vi Thượng và Pả Vi Hạ; toàn xã chuyển đổi 100ha đất xấu trồng lúa sang trồng, nuôi 1.300 con bò và hơn 2.000 con dê. Chúng tôi đến nhà ông Mùa Chính Páo ở thôn Pả Vi Thượng, nhờ trồng cỏ và chăn nuôi đại gia súc ông đã có tiền xây nhà, cho con đi học đại học. Ông nói: “Nhờ bỏ trồng ngô, lúa trên đất xấu để trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê nên nhà tôi mỗi năm thu được 40 triệu tiền lãi từ việc bán con giống. Xã Pả Vi bây giờ không còn hộ đói, mà chỉ còn vài hộ nghèo thôi”.

Khi đến thăm mô hình làm ăn giỏi của xã Pả Vi, chủ tịch huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái – Lầu A Páo – trao đổi kinh nghiệm. Ông nói: “Bí quyết thành công của xã Pả Vi chính ở chỗ chính quyền và nhân dân địa phương sử dụng vốn XĐGN của nhà nước vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Chúng tôi đến Pả Vi để học tập kinh nghiệm về phổ biến cho các xã trong huyện”.

Mặc dù những năm qua tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm mạnh, song trên thực tế, nguy cơ tái nghèo vẫn có thể tăng do biến động giá cả, tác động của kinh tế thị trường, thiên tai, bão lũ. Hơn nữa chuẩn nghèo mới của nước ta cũng đã thay đổi với tiêu chí cao hơn. Chính vì thế để đạt được mục tiêu đề ra, chương trình XĐGN phải tập trung vào những địa bàn, những trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao. Và đặc biệt là phải coi trọng những kinh nghiệm, giải pháp nhằm giúp người nghèo tự vươn lên xóa nghèo. Người nghèo chỉ có thể thoát nghèo khi chính người nghèo vừa được hỗ trợ, vừa được bàn bạc, thảo luận tìm cách thoát nghèo.

Lê Vũ (QĐND)

Related Posts

Add Comment