Có nên theo học ngành Y khoa?

Học Y khoa và hành trình để trở thành một bác sĩ chưa bao giờ dễ dàng cả, đặc biệt là những học sinh từ nông thôn ra thành thị và nhà lại không có điều kiện như mình.

Đó thực sự là một con đường chông gai, thậm chí là những tủi hổ, có cả mồ hôi và cả nước mắt.

Hành trình học làm Bác Sĩ

Ngoảnh đầu nhìn lại, chả hiểu sao mình lại “sống sót” được qua một hành trình hơn 10 năm liên tục, từ một cậu học trò trường quê trở thành một bác sĩ nội trú, rồi được làm việc ở những môi trường đáng mong ước của nhiều bác sĩ trẻ.

Quãng đường 6 năm học Y khoa, gia đình không có ở bên, cô đơn lạc lõng giữa một Hà Nội đông đúc và ồn áo, chỉ có những người bạn cùng chí hướng ở bên, cũng không phải dễ dàng gì.

Trong 2 năm rưỡi đầu học ở trường, cày cuốc thi cử, giảng đường như điên, tưởng là kinh lắm rồi. Nhưng chưa là gì đến khi bước chân vào lâm sàng ở bệnh viện, mới thấy mình stupid thực sự. Nhiều đêm lang thang ở khắp các bệnh viện, thấy mình lạc lõng dường như bị trầm cảm, vì cô đơn, và thấy mình vô dụng, khi phải đối diện với người bệnh. Những buổi đêm hôm cay hết cả mắt đứng phụ mổ cho các thầy, hay một mình lững thững đi đưa – lấy kết quả xét nghiệm.

Tốt nghiệp ĐH vẫn chưa đủ với Y khoa

Ôn thi hết môn tưởng là ghê, nhưng chưa ăn thua gì so với đầu vào nội trú, trong cái chảo lửa cả nghĩa bóng và nghĩa đen của cái mùa hè nóng nực ấy.

Thế rồi may mắn đỗ nội trú. Đó thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời, bởi nó thay đổi tất cả. Những ngày đêm lăn lộn ở bệnh viện đã rèn rũa cho cậu bác sĩ trẻ gày gò đen đúa ấy một bản lĩnh cứng cáp hơn, trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. Và ta cũng trở nên yêu nghề hơn. Cái thứ tình yêu đó, so với thời sinh viên, thì nó đã được định hình và trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bởi vì ta phải làm việc, được làm việc, tất cả mọi việc, từ nhỏ đến lớn. Và ta bắt đầu phải chịu trách nhiệm về số phận của những người bệnh. Những buổi trực khắp các khoa phòng, những buổi thường trú theo quy định là 22h nhưng có hôm 0h mới mò được về ký túc xá trong bệnh viện. Nhưng những thứ ta thu nhận được khi ta học nội trú thực sự đã giúp ích cho ta rất nhiều trong quá trình hành nghề sau này, bản lĩnh nghề nghiệp và sự tự tin hơn trong công việc. Duy chỉ có một thứ khiến ta phiền lòng, đó là dù học nội trú nhưng ta vẫn không có tiền đủ để sống. Hồi đó, 500 nghìn một tháng, là tất cả những gì mà ta có thể nhận được, đủ để ăn một suất cơm hộp vào bữa trưa, và để có thể tiếp tục tồn tại.

Quay đi quay lại, tốt nghiệp đại học cũng đã 13 năm có lẻ. Thực sự là một quãng đường đầy chông gai, nhưng nếu ai đã trải qua và ở trong cuộc sẽ thấy thực sự rất đỗi tự hào.

Có lẽ sinh viên Y khoa là ngành học sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, thậm chí là tỉ lệ trầm cảm và rối loạn tâm thần cao nhất. Cho nên, mình lúc nào cũng thông cảm cho các em sinh viên học trò và các đồng nghiệp còn phải đi học. Vì các em đã phải hy sinh quá nhiều, cả tuổi thanh xuân của mình.

Chúc các em sẽ luôn vững vàng.

Bởi cuộc sống này thực sự chưa bao giờ dễ dàng cả.

Nguồn: Y học thực hành

 

Related Posts

Add Comment