Bệnh chốc là bệnh da thường gặp do nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh có tính lây lan, nhất là đối với trẻ em, có thể lây lan thành dịch ở trong gia đình hoặc trong trường học.
Mụn chốc ở tay và chân. Ảnh: KH
Biểu hiện ban đầu là dát đỏ, sau xuất hiện bọng nước to bằng hạt đỗ, hạt ngô hoặc lớn hơn chứa chất dịch lúc đầu màu vàng trong, về sau rất nhanh chóng trở thành đục và hóa mủ. Bọng nước vỡ ra và đóng vảy tiết màu vàng. Khi cạy vảy, ở dưới là một vết trợt nông, tròn đều đặn, màu đỏ hồng. Xung quanh vảy tiết màu vàng thường có một viền vảy mỏng. Các bọng nước liên kết lại thành mảng, vỡ ra đóng vảy tiết, giới hạn rất rõ, hơi lõm ở giữa. Vảy tiết sẽ bong đi và da trở lại bình thường.
Vị trí thường bị chốc thường là: mặt, hai bên má, xung quanh các lỗ tự nhiên, da đầu và ở tay chân. Các phần khác của cơ thể ít gặp hơn. Ở trẻ em, do gãi, vi khuẩn từ chỗ này lây lan sang chỗ khác làm cho bệnh lan ra khắp cơ thể. Thường gặp các tổn thương kết hợp do liên cầu khuẩn như: nứt mép, viêm sau kẽ tai, kẽ mũi má… Có bọng nước rất to, có khi bọng nước rất bé giống như hạt kê. Có trường hợp loét sâu xuống (chốc loét) thường xuất hiện ở chi dưới trên bệnh nhân suy dinh dưỡng và do độc lực của vi khuẩn gây bệnh mạnh.
Các biến chứng có thể xảy ra do bị chốc có thể là viêm hạch bạch huyết biến thành áp – xe. Nếu chốc lan rộng có thể biến chứng viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết.
Điều trị: Trường hợp nhẹ có thể điều trị tại chỗ. Chỉ điều trị toàn thân khi có các biến chứng kể trên, tổn thương lan rộng hoặc bệnh dai dẳng tái phát nhiều lần. Có thể điều trị tại chỗ cho bệnh nhân bằng cách làm bong vảy bằng dung dịch nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%). Nếu vảy dày quá thì dùng mỡ salicylic 2-3% bôi ngày một lần, trong 1-2 ngày cho vảy mềm, sau đó làm bong vảy và rửa sạch. Đối với các tổn thương nhiều, vảy chảy nước có thể dùng các loại thuốc mỡ, thuốc hồ, kem kháng sinh (eyrythromycin hoặc tetracycllin 2-3% hoặc kem dalibour).
Các trường hợp có các biến chứng như bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, bệnh dai dẳng, lây lan khắp cơ thể thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Phòng bệnh: Tuyên truyền cho người dân ăn ở vệ sinh, năng tắm giặt, gội đầu để tránh bị nhiễm khuẩn nhất là với trẻ em. Không nên giữ trẻ nhiều ngày ở nơi thiếu ánh sáng và ẩm thấp. Khi có biểu hiện của bệnh phải nhanh chóng chữa trị, tránh để lâu ngày, gãi nhiều sẽ gây bội nhiễm.
Bác sĩ Thanh Huy – SKĐS