Ông Phạm Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết, giống chuối được trồng nhiều ở Thanh Bình là chuối bom và hiện nay diện tích trồng chuối đã phát triển lên đến gần 400ha. Nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo và trở nên khá giả cũng nhờ cây chuối. Nếu trước đây Thanh Bình nổi tiếng là một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn với đa số các hộ dân thuộc diện nghèo, thì hiện nay hộ nghèo của xã đã giảm xuống chỉ còn 14%.
Xem thêm:
- Làm sao để tăng độ phì nhiêu của đất
- Giống chuối lùn đài loan
- Làm giàu nhờ trồng sâm Ngọc Linh
- Kỹ thuật trồng nho trong chậu
Ông Trần Công Chánh ngụ ở ấp Tân Thành là một hộ nghèo điển hình nhờ trồng chuối mà trở nên khá giả. Ông cho biết: “Gia đình tôi có 2,7ha đất đều trồng chuối hết. Trồng chuối không phải mua giống, tiền đầu tư phân bón và công chăm sóc cũng rất ít. Chỉ cần một lao động có thể chăm sóc được 3ha chuối. Khoảng 6 tháng chuối bắt đầu cho thu hoạch, sau đó cứ một tuần tôi thu một lần bình quân 4 tấn/ha/tháng, trừ chi phí đi tôi cũng còn lãi 40 triệu đồng/ha”. Ông Phan Văn Tường ngụ ở ấp Trường An cũng cho biết: “Trồng chuối không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 3-5 năm. Tôi đã từng thay đổi nhiều loại cây trồng, nhưng cuối cùng lại trở về với cây chuối, vì nó cho thu nhập ổn định và không bao giờ phải lo lắng đến mất mùa hay đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, trồng chuối cũng hiếm khi bị sâu bệnh và ít chịu tác động của thời tiết”.
Theo kinh nghiệm của một số hộ trồng chuối có thu nhập cao ở đây, thì để trồng chuối có hiệu quả, nên chọn cây con có cây mẹ to cao và buồng chuối phải đạt từ 7 nải trở lên. Cây con khi đánh tỉa không nên để xây xước, nên dùng dao cắt gọt bớt đất và rễ sát củ, ấp phần cắt từ cây mẹ vào tro sạch rồi xếp vào nơi râm mát khoảng ba ngày sau mới đem trồng. Khi trồng, đào hố sâu khoảng 35cm và rộng khoảng 45cm và để khoảng 8 ngày cho hả hơi đất mới trồng. Nếu đất xấu, cho thêm rác và tro, trồng với mật độ 2m2/cây theo hàng hướng Đông – Tây để cây tận dụng được nhiều ánh sáng sẽ tốt hơn. Khi trồng, giữ cây thật thẳng và ủ quanh gốc để giữ ẩm. Cần lưu ý đặt mặt cắt của củ cây giống từ cây mẹ về một phía để khi trổ buồng, buồng cũng hướng về một phía thuận lợi cho thu hoạch. Nếu trồng trên sườn đồi thì quay mặt cắt xuống phía chân đồi để khi cây trổ buồng, buồng chuối sẽ ở phía trên, như vậy sẽ kéo cây vào phía trong làm cây đỡ bị đổ.
Mỗi chu kỳ của cây chuối chỉ cần bón 80-100gam phân urê, kali. Vào mùa khô, nếu có nguồn nước tưới 2 lần/tuần, cây sẽ cho thu hoạch cao hơn. Giá chuối vào mùa khô cũng đắt gấp rưỡi giá chuối mùa mưa. Ngoài thu hoạch quả, người trồng chuối còn tận dụng thân cây chuối phơi khô bán cho các cơ sở mây tre đan đồ thủ công mỹ nghệ với giá 3 ngàn đồng/kg. Ông Đoàn Thanh Bài ở ấp Tân Thành kể: “Cứ 2 cây chuối bóc bẹ phơi khô được 1kg sợi, như vậy mỗi sào cũng có thu thêm 5-6 triệu đồng”.
Hỏi thăm một số đại lý chuyên thu mua chuối ở Thanh Bình chúng tôi được biết, đa số chuối thu mua ở đây được xuất tươi sang châu Âu và bán cho các cơ sở, công ty chế biến bánh kẹo trong nước. Đặc biệt, các công ty hoặc cơ sở khi làm chuối sấy rất thích mua chuối ở Thanh Bình, vì chuối ở đây mùi vị thơm ngon lại nhiều mật nên khi sấy khô vẫn giữ được mùi thơm và vị ngọt.
Theo ĐNO |