Phòng ngừa mắc bệnh trĩ khi mang thai

Bà bầu nên uống nhiều nước để không mắc bệnh trĩ khi mang thai gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Vì sao dễ mắc bệnh trĩ khi mang thai?

Mang thai khiến bạn dễ bị bệnh trĩ, cũng như dễ mắc các chứng suy tĩnh mạch ở các chi, và đôi khi ngay cả ở trong âm hộ. Tử cung của bạn phát triển từng ngày làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới (một tĩnh mạch lớn phía bên phải của cơ thể để nhận máu từ hai chân). Điều này có thể làm chậm sự tuần hoàn của máu từ phần thân dưới, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch trong tử cung và làm chúng bị giãn nở hoặc sưng lên.

Nếu bạn bị táo bón – một tình trạng thường gặp trong thời kỳ mang thai, cũng có thể là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh trĩ. Đó là vì sự căng cơ dẫn đến bệnh trĩ, và bạn thường có xu hướng căng cơ khi phải gắng sức rặn để đi vệ sinh do phân rắn.

Ngoài ra, sự tăng nồng độ hormone progesterone trong thời gian mang thai khiến các thành tĩnh mạch không bền chắc, khiến chúng dễ bị sưng lên. Progesteron cũng góp phần khiến bạn dễ bị táo bón do nó làm chậm nhu động ruột.

Chữa trị thế nào?

Đối với phụ nữ có thai, cần hạn chế mổ bởi nếu phẫu thuật sẽ cần sử dụng nhiều loại thuốc gây hại tới thai nhi. Tốt nhất là điều trị nội khoa, ngâm rửa bên ngoài. Việc sử dụng thuốc cũng cần thận trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tốt hơn cả phụ nữ mang thai nên học cách phòng ngừa để tránh bị đau đớn khi bị bệnh.

Phòng ngừa mắc bệnh trĩ khi mang thai thế nào?

– Giữ vệ sinh vùng hậu môn: Sau mỗi lần đi toilet, bạn nhớ phải vệ sinh vùng hậu môn thật sạch sẽ bằng loại giấy mền, khăn ướt không tẩm hương thơm hay chất cồn. Tránh dùng những loại giấy khô gây tăng tình trạng nghiêm trọng của bệnh.

– Tắm nước ấm: tắm nước ấm và ngâm mình trong nước ấm không chỉ khiến bạn có cảm giác thoải mái mà còn giúp phòng ngừa và giúp bệnh trĩ thuyên giảm đáng kể do máu được kích thích lưu thông dễ dàng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên ngâm mình trong nước ấm hàng ngày.

– Tránh ngồi quá lâu: Việc ngồi một chỗ quá lâu sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng mức độ nặng của bệnh trĩ. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đi lại hoặc nằm xuống nghỉ ngơi thay vì ngồi quá lâu.

– Tránh hiện tượng táo bón bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước.

– Tập luyện thể thao cũng là phương pháp hữu hiệu chữa bệnh trĩ. Chỉ đơn giản là đi bộ hay tập các bài tập liên quan tới xương chậu, tập kegel cũng rất tốt.

Lưu ý: Nếu đã áp dụng tất cả các cách trên mà bệnh tình không thuyên giảm cộng với hiện tượng ngày càng nghiêm trọng hơn, bạn cần tìm đến bác sĩ ngay.

TT

Related Posts

Add Comment