Cần biết khi tiêm vắc – xin

Chương trình Tiêm chủng quốc gia đã có thông tin về tỷ lệ an toàn và mức độ phản ứng sau tiêm với một số vắc-xin như sau.

Với loại phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván

Bệnh bạch hầu và ho gà là hai bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp. Ho gà dễ gây tử vong ở trẻ nhỏ, bạch hầu có thể gây biến chứng nặng ở tim, thần kinh. Riêng uốn ván là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở. Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khoảng 50% số trẻ sau tiêm bị sốt vào buổi tối và có thể hết sau 24 giờ. Các chuyên gia cho biết thêm: cần lưu ý, nếu hiện tượng sốt xuất hiện sau 24 giờ có thể không do phản ứng đối với vắc-xin DPT. Ngoài ra, trẻ thường quấy khóc do đau, nổi ban, sưng tại vết tiêm. Cá biệt, trẻ có thể gặp những phản ứng nghiêm trọng hơn như co giật (tỷ lệ 1/12.500 liều được tiêm); giảm trương lực cơ (1/1.750 liều được tiêm).

Với vắc-xin phòng sởi

Có thể gây đau nhức tại nơi tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm, và có thể giảm dần sau 2-3 ngày tiếp theo. Khoảng 5-12 ngày sau tiêm trẻ có sốt (trong vòng 1-2 ngày). Tỷ lệ khá cao (1/20 trẻ được tiêm) có biểu hiện nổi ban nhẹ trong 5-12 ngày sau tiêm, ban có thể tồn tại trong khoảng 2 ngày. Một số phản ứng hiếm gặp khác từng được báo cáo sau tiêm vắc-xin này: dị ứng (1/100.000 liều); viêm não (1/triệu liều)… Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở đầy đủ khẳng định chính xác phản ứng hiếm gặp đó có nguyên nhân do vắc-xin.

Với vắc-xin viêm gan B – loại từng gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng vì từng có bệnh nhi tai biến nặng sau tiêm, có khoảng 15% người lớn và 5% trẻ nhỏ có hiện tượng đau, đỏ, sưng nhẹ tại vết tiêm. Sau 1-2 ngày tiêm, khoảng 1-6% người tiêm có biểu hiện sốt trong 1-2 ngày sau tiêm. Các phản ứng nặng hơn: dị ứng nổi ban, khó thở chiếm khoảng 1/600.000 liều tiêm.

Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

* Trẻ cần được theo dõi 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm và tiếp tục tại gia đình ít nhất 24 giờ sau tiêm

* Sau tiêm, trẻ có thể xuất hiện các phản ứng thông thường: sốt, đau hoặc sưng tấy chỗ tiêm, quấy khóc. Cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nước nhiều, theo dõi nhiệt độ. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên một ngày

* Nên cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho trẻ bú

* Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu bất thường: sốt cao, quấy khóc kéo dài, bú ít, tím tái, khó thở…

Related Posts

Add Comment