Bài viết “Hệ lụy từ một tình huống sinh khó” của bạn Phạm Khánh Sơn được đăng trên bacsinoitru.vn ngày 6 tháng 2 năm 2015 đã cho chúng ta thấy biến chứng của các kỹ thuật forceps và giác hút để lại những hậu quả nặng nề như thế nào. Các biến chứng này thực sự không phải là hiếm gặp ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, và nhằm hạn chế tối đa những hậu quả nặng nề do các biến chứng này gây ra, các nhà khoa học đã liên tục nghiên cứu nhằm cải tiến các kỹ thuật hỗ trợ sinh khi giai đoạn 2 của quá trình chuyển dạ kéo dài vì bất cứ nguyên nhân gì (sản phụ kiệt sức, thai nhi mắc kẹt trong đường âm đạo…). Mặc dù ky thuật này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng bước đầu đã có những thành công nhất định, và vì vậy chúng tôi xin được giới thiệu lại với các bạn
Các biến chứng do giai đoạn 2 của chuyển dạ kéo dài (giai đoạn kể từ sau khi cổ tử cung mở 10 cm cho tới khi thai xổ ra ngoài) bao gồm khả năng tử vong mẹ (chảy máu, nhiễm trùng) và các biến chứng sơ sinh (sinh ngạt và chấn thương).
Odon device là một thiết bị mới với chi phí thấp nhằm hỗ trợ sinh khi có biến chứng xảy ra trong giai đoạn 2 của chuyển dạ. Thiết bị này được làm từ vật liệu polyethylene và có thể an toàn và dễ sử dụng hơn forceps và giác hút (có chống chỉ định trong các trường hợp nhiễm HIV) trong việc hỗ trợ sinh, và đây là một lựa chọn thay thế cho sinh mổ ở những nơi có khả năng phẫu thuật và nhân lực y tế hạn chế.
Odon device có thể áp dụng rộng rãi ở những nơi có nguồn lực y tế kém, ngay cả với các cơ sở y tế tuyến trung bình. Vì tính an toàn và hiệu quả đã được chứng minh, cho nên Odon device sẽ là sự cải tiến đầu tiên trong sinh đường âm đạo bằng thủ thuật kể từ khi xuất hiện kỹ thuật forceps ở những thế kỷ trước và kỹ thuật giác hút ở những thập liên trước. Bằng cách giảm tiếp xúc giữa đầu của thai nhi/sơ sinh và kênh sinh (âm đạo), thiết bị sẽ dự phòng được các nhiễm trùng và chấn thương trong khi sinh.
Odon device đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu 2 giai đoạn tại các cơ sở y tế ở Argentina và Nam Phi. Trong giai đoạn 1, thiết bị sẽ được thử nghiệm về mức độ an toàn và tính khả thi dưới tình trạng sinh đẻ bình thường. Thử nghiệm đã bắt đầu tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe của trường đại học tại Argentina dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Việc sử dụng Odon device rất đơn giản như được thấy trong các hình ảnh và clip dưới đây:
1. Bộ gài (inserter) được áp lên đầu của sơ sinh. Quả chuông/chiếc phễu bằng nhựa mềm đảm bảo cho việc việc tiếp cận/phỏng theo/mô phỏng một cách hoàn hảo đầu của sơ sinh và dự phòng các tổn thương.
2. Bộ gài sẽ đặt Odon device vào đúng vị trí một cách từ từ xung quanh đầu của thai nhi/sơ sinh. Việc đặt Odon device vào đúng vị trí diễn ra khi bộ gài nhẹ nhàng tạo di chuyển trượt giữa 2 bề mặt bao gồm bề mặt của túi (bao) hình tay áo gấp dọc theo kênh sinh (âm đạo) và bề mặt xung quanh đầu của thai nhi/sơ sinh.
3. Khi Odon device ở đúng vị trí, một điểm làm dấu trên thanh cầm của bộ gài sẽ được thấy rõ rang trong cửa sổ đọc. Một lượng khí tối thiểu và tự giới hạn được bơm vào buồng khí ở bề mặt bên trong.
4. Điều này sẽ tạo ra được một sự ôm ghì an toàn xung quanh đầu thai nhi/sơ sinh mà nó có thể cố định bề mặt bên trong và cho phép kéo. Bộ gài được tháo ra.
5. Đầu thai nhi/sơ sinh được xổ bằng cách tận dụng hiệu ứng trượt giữa hai bề mặt của túi (bao) hình tay áo. Bôi trơn các bề mặt để tạo thuận hơn cho quá trình sinh (xổ). Nếu cần, lực kéo có thể áp dụng đến 19 kg (tương đương với lực được áp dụng trong kỹ thuật giác hút).
Bác sĩ Hà Phương
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Theo: WHO / ODON DIVICE