Sặc dị vật đường thở có thể gây nên cái chết ngay tức thì cho trẻ. Nếu biết cách phát hiện nhanh, cấp cứu kịp thời thì trẻ bị sặc dị vật đường thở vẫn có cơ hội cứu sống.
Trong những ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015 đầu tiên đã có rất nhiều trường hợp tai nạn tại gia đình xảy ra với các cháu nhỏ, đáng chú ý là 2 trường hợp tai nạn sặc dị vật đường thở được các bậc cha mẹ chia sẻ trên facebook. Rất may mắn, khi tai nạn xảy ra, bố mẹ các cháu nhỏ đều có kinh nghiệm, phát hiện nhanh chóng và xử trí cấp cứu kịp thời
Trường hợp thứ nhất
Một phen hú vía…
Các mẹ ơi, đặc biệt là các mẹ sinh non ơi, cu Bi nhà em vừa thoát nạn xong, em vẫn còn bàng hoàng.
Chả là từ lâu rồi, Bi biếng ăn nên em phải cho con ăn trong lúc ngủ hoặc là có bố làm trò may ra mới ăn một ít. Hôm nay, cũng vậy, dỗ mãi mới ngủ rồi cho ăn, Bi ăn xong cũng 15 phút rồi, em đã vỗ ợ hơi nhưng vẫn bế con, em muốn đi WC quá, vẫn cẩn thận gọi bố Bi trông giúp. Vì Bi biết lẫy rồi nên hay giẫy lắm, lại vừa ăn xong. Em đặt Bi ở giường, kê gối cẩn thận để hai bố con trông nhau, Bi đã giẫy khỏi gối và vì thấy con vẫn chơi nên bố kệ, bố yêu Bi lắm nhưng thấy con chơi nên nghĩ không sao, khi em vào thấy mặt con nghền nghệt như muốn trớ, em bế lên và con có dấu hiệu tím, em vừa vỗ vừa cho trớ hết ra, nhưng trớ ít một, và tím tái hết quanh miệng lên mũi, em vỗ thì trớ ộc ra và vẫn tím, em phải hút khẩn trương bằng miệng, một lát giời thương con hồi lại…
Trường hợp thứ hai
Tình huống xẩy ra rất nhanh, cu cậu gần 4 tuổi, đang cùng cậu anh ăn bánh gio, đột ngột ho vài tiếng rồi nghẹn và há mồm, mặt đỏ bừng, chảy nước mắt nhưng không khóc được. May mà bố ngồi cạnh, ôm ngay cu dậy, tựa ngực vào tay bố, ngả cu ra trước, vỗ cho cu 5 phát mạnh vào lưng… phù… miếng bánh gio to tướng bật ra.
Tết này vận may đến với gia đình mình rồi
—
Vậy làm thế nào để phát hiện nhanh chóng trẻ bị sặc dị vật đường thở?
Trẻ rất dễ bị sặc dị vật đường thở (từ thức ăn, đồ chơi)… nếu người lớn không để ý. Cũng không ít trẻ bị sặc dị vật đường thở do thức ăn vì người lớn pha trò để trẻ cười, tạo hứng thú cho trẻ ăn.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị sặc, đó là “hội chứng xâm nhập” như trẻ đang ăn, đang chơi đột ngột ho sặc sụa, mặt đỏ và/hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức. Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn (như dị vật thanh quản) trẻ có thể ngừng thở ngay lập tức, tiếp đó là hôn mê và tử vong nếu không được xử trí đúng cách.
Hội chứng xâm nhập cũng có thể chỉ kéo dài một vài phút thì hết do dị vật đã di chuyển sâu vào bên trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi vào sâu vào trong đường thở, tùy thuộc vào vị trí mắc kẹt dị vật mà trẻ có các biểu hiện khác nhau: nói khàn, thở rít, thở khò khè và khó thở (dị vật hạ thanh quản, khí quản); ho và thở khò khè, ho ra máu, khó thở, nghẹt thở, suy hô hấp, thở yếu, sốt và tím tái (dị vật phế quản).
Đáng nói là có khoảng 25 – 50% trẻ bị dị vật đường thở không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc không được chẩn đoán trong vòng 24 giờ, phần lớn các trường hợp này là do dị vật ở phế quản lớn và phế quản nhỏ. Sau khi biểu hiện “hội chứng xâm nhập” ngắn, trẻ có thể trở lại bình thường trong nhiều giờ nên cha mẹ ít để ý. Sau đó các dấu hiệu của xẹp phổi, bội nhiễm (viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi…) do dị vật có thể xuất hiện như: sốt cao, ho khan, ho máu, ho có đờm và mủ, khó thở tăng dần, suy hô hấp, tím tái… Nếu không biết trẻ bị sặc, khi trẻ có biểu hiện ho và sốt thì cha mẹ thường chủ quan không đưa trẻ đi khám sẽ làm bệnh tiến triển nặng thêm.
Cách xử trí cấp cứu dị vật đường thở ở trẻ em như thế nào?
Các bạn có thể xem clip và đọc chi tiết tại các đường link sau: