Những câu chuyện về mảnh đời bệnh tật đầy bất hạnh sẽ không bao giờ có hồi kết, chỉ có điều chúng có tiếp tục được kể lại hay không mà thôi. Qua lối hành văn chân thật và đầy tính nhân văn, bác sĩ Nguyễn Thanh đã cho chúng ta thấy được những vất vả, khó khăn và tâm trạng bi quan của người bệnh cũng như những trăn trở của người thầy thuốc.
1. Bệnh nhân nam, 45 tuổi, lọc màng bụng (CAPD) 5 năm mà đã viêm phúc mạc tới 2 lần, lần gần nhất vào viện vì viêm phúc mạc lần 3. Cấy dịch lọc ra trực khuẩn mủ xanh nên hơi khó trị. Thể trạng kém vì dinh dưỡng không đủ cộng thêm tình trạng nhiễm trùng nặng. Để ý thấy chỉ có mỗi bà mẹ già chăm con bị bệnh. Một hôm mình hỏi bệnh nhân “thế vợ anh đâu mà không thấy vào chăm chồng?”. Anh ấy rầu rầu trả lời “vợ em từ khi biết em bị suy thận đã dắt theo đứa con gái bỏ nhà ra đi, giờ không biết ở đâu. Giờ chỉ còn hai mẹ con chăm nhau thôi bác ạ. Bác ơi, bác cố gắng cứu em với nhé!”. Thật xót xa ! Hôm rồi hai mẹ con bệnh nhân lại vào viện vì viêm phúc mạc lần 4 nhưng không nằm giường mình điều trị. Lần này phải rút bỏ catheter để chuyển thận nhân tạo chu kỳ. Có chuyện gì hai mẹ con lại ra gặp, bác Thanh ơi giúp em với.
2. Điều trị cho một bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi suy thận giai đoạn cuối, đang đợi mổ làm cầu tay (FAV) để chạy thận nhân tạo chu kỳ. Nhà cũng ở nội thành Hà Nội. Loanh quanh thế nào cũng chỉ thấy ông chồng cơm nước chăm vợ. Ông chồng chắc hơn 70 tuổi nhưng trông khỏe mạnh, phúc hậu, giọng nói rất nhẹ nhàng, dễ nghe, ai gặp cũng có cảm tình. Buổi sáng ngày cuối tuần, vừa giao ban xong, ông chồng gặp mình và bảo “bác xem thế nào, giúp cho vợ em mổ sớm trong tuần này được không, nếu không chắc vợ chồng em phải xin về bệnh viện X, tuy không được tốt như ở đây nhưng được cái gần nhà hơn”. Mình hỏi lý do, bác bảo “hôm qua em đi cầu thang bị móc mất cái ví, mất hết cả tiền lẫn chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế rồi bác ạ”. Mình đành trả lời “vâng, để lát nữa cháu gọi điện cho anh phẫu thuật viên nhờ anh cố gắng mổ sớm cho bác nhé”. Cũng chưa kịp gọi điện, lúc sau lại thấy bác chồng chạy ra “bác Thanh ơi, bên khoa phẫu thuật gọi điện bảo cho bệnh án và bệnh nhân sang để mổ bác ạ”.
3. Cô bé mới có 18 tuổi, khá xinh xắn, đang có thai 23 tuần, vào viện vì bị viêm thận bể thận cấp. Mỗi lúc đi khám bệnh lại chú chú cháu cháu với mình. Hôm đầu vào viện có lúc sốt cao hơn 39 độ, may mắn đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh và hôm sau thì hết sốt. Đi buồng với nội trú, mình trêu “thế chồng đâu mà không thấy đến chăm. Mới 18 tuổi mà thế này hóa ra là tảo hôn à. Chắc lúc cưới không được chính quyền cho phép hả?”. Các bệnh nhân và người nhà các giường bệnh xung quanh cười ồ lên. Cô nàng cười bẽn lẽn, hai má hồng hồng, trông thật xinh.
4. Cùng giường cô bé 18 tuổi là một chị 40 tuồi, sau mồ lấy thai vì hội chứng thận hư và suy thận cấp. Lúc mổ lấy thai thì thai mới 31 tuần và chỉ được có 1.1 kg, cháu nằm điều trị tại khoa sơ sinh hơn tuần thì mất. Mình hỏi (cũng hơi vô duyên!) “thế sao mang bầu muộn thế?”. Bệnh nhân buồn buồn trả lời“em quê ở ngoài này, làm công nhân trong Sài Gòn, bị bệnh phải ra đây, cũng không có chồng anh ạ”.
5. Mình điều trị cho một cô bé hơn 20 tuổi, cô bé bị viêm thận lupus – suy thận khá nặng. Cũng là bệnh nhân đã vào viện nhiều lần. Bà mẹ gặp mình trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được ăn cơm từ thiện của bệnh viện. Mình bảo cô y tá làm thủ tục cho trường hợp này. Bệnh nhân nặng, đợt cấp nên phải thay huyết tương mất 5 lần, phải lọc máu, truyền máu, rồi truyền thuốc v.v… mới qua được đợt cấp. Lúc xuất viện, mình đi họp không có ở khoa, về nghe y tá kể lại bà mẹ làu bàu nói “đợt trước nằm điều trị hết có hơn 2 triệu, sao đợt này nhiều thế?”. Rồi bà ta nhảy chồm chồm xỉa xói cô y tá vì quên báo cơm từ thiện nên bệnh nhân phải trả tiền ăn, bắt cô y tá phải đền tiền ăn. Gần tháng sau bệnh nhân lại vào viện. Bà mẹ gặp mình cũng chằng thèm chào, và nhìn như không quen biết. Mình cũng chả buồn chào. Thấy buồn buồn. Nhưng nghĩ lại cũng khó trách người ta, vì hoàn cảnh cũng khó khăn, và vì người ta cũng thương con thôi.
6. Bệnh nhân của một đồng nghiệp, nữ, tuổi cũng đã cao, có bệnh đái tháo đường, suy thận nặng, viêm phổi. Nằm viện nhưng chỉ có một cô giúp việc chăm, không bao giờ thấy con cái vào thăm. Hỏi ra thì biết hai con trai và con gái không đoái hoài đến mẹ. Bà mẹ phải bán đất để thuê giúp việc chăm mình bị bệnh. Buổi chiều hôm rồi bà cụ bị suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản, mình mời bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực hội chẩn để nhận về khoa nhưng khoa đã hết giường điều trị, đành phải cho cụ nằm đó bóp bóng rồi thở T-tube. Cô giúp việc gọi 6 – 7 cuộc điện thoại cho hai ông bà con thì không nghe máy, mãi sau nghe máy thấy bảo cụ đang cấp cứu ông bà vào viện ngay thì bị quát “tôi còn đi làm việc chưa vào được”. Nghe đâu đến đêm ông con mới vào viện chốc lát, không đồng ý cho cụ chuyển xuống khoa hồi sức tích cực, sau đó chuồn về mất. Nghe đâu ông con cũng là giảng viên một trường đại học. Haizzz.
Còn nhiều, còn nhiều những cảnh ngộ, còn nhiều những câu chuyện đời nữa. Mỗi người bệnh, là một câu chuyện, là một mảnh đời rất khác nhau. Nếu có dịp, tôi sẽ lại kể cho các bạn nghe, để cùng chiêm nghiệm, cùng cảm thông, những mảnh đời bất hạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh
Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai