Bệnh tiêu chảy cấp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ bởi nó khiến cơ thể trẻ bị mất nước nhanh chóng và khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm rõ rệt. Vì vậy, hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em sẽ giúp bạn phòng chống và điều trị căn bệnh này hiệu quả.
Khi trẻ có triệu chứng đi đại tiện nhiều lần (trên 3 lần/ngày) và phân loãng, chứa nhiều nước, kéo dài trong khoảng 7-10 ngày thì đó là lúc trẻ đã bị bệnh tiêu chảy cấp. Căn bệnh này có tỉ lệ tử vong cao, đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ em. Vậy các yếu tố nguy cơ nào gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ?
Điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ dễ khiến trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp
Các yếu tố con người:
Độ tuổi: Theo nhiều nghiên cứu thì người ta cho rằng, độ tuổi mắc bệnh tiêu chảy cấp cao nhất là nhóm từ 6 đến 11 tháng tuổi. Bởi thời gian này lượng sữa mẹ cung cấp vào cơ thể trẻ sẽ giảm đi để phục vụ cho việc ăn dặm nên sức đề kháng của trẻ nhận được từ sữa mẹ sẽ ít dần, từ đó hệ miễn dịch chưa kịp tiếp xúc chủ động với các loại thức ăn và dễ bị mắc bệnh tiêu chảy cấp. Hơn nữa, sự ô nhiễm thức ăn khi trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh khi trẻ tập bò cũng là nguyên nhân chính gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ.
Trẻ trong độ tuổi từ 6- 12 tháng tuổi dễ bị tiêu chảy cấp
Tình trạng suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch : Các trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc bị suy giảm miễn dịch tạm thời do một số căn bệnh mắc phải như bệnh sởi, HIV/AIDS,… cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp. Và nghiêm trọng hơn là đối với các trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch nặng, bệnh tiêu chảy cấp sẽ kéo dài hơn và gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nếu không được điều trị sớm và dứt điểm.
Sự thay đổi của thời tiết:
Thời tiết nắng nóng hoặc các vùng nhiệt đới, mưa nắng thất thường sẽ xuất hiện nhiều vi khuẩn và gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Hoặc thậm chí, trong mùa lạnh trẻ cũng dễ bị tiêu chảy do sự phát triển của các virus gây bệnh.
Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng giúp trẻ ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp
Ngoài ra, một số phong tục tập quán như ít cho trẻ bú bằng sữa mẹ hoặc cho trẻ bú bình không được khử trùng, các thức ăn dặm cho trẻ bị ôi thiu hoặc lên men, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện sống ẩm thấp, …. Cũng chính là nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ.
Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ khi thời tiết thay đổi là luôn giữ ấm cơ thể, không để trẻ bị nhiễm lạnh, vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo ăn chín uống sôi để ngăn ngừa sự xâm nhập của viruts vào cơ thể,…
N.A