Kỹ thuật mới cứu sống bệnh nhân xuất huyết não

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đã ứng dụng thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp. Bộ Y tế vừa chính thức đưa kỹ thuật này vào danh mục kỹ thuật cao.

Hồi phục kỳ diệu

Gia đình bệnh nhân Lê Đình H (34 tuổi, tỉnh Bắc Ninh) cho biết khi anh H đang ngồi họp thì đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, sau đó nhanh chóng hôn mê sâu. Chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng hôn mê, huyết áp cao, liệt nửa người trái. Kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy chảy máu não vùng đồi thị phải, chảy máu toàn bộ hệ thống não thất và giãn não thất cấp. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ngay trong đêm. Khoảng 12 giờ sau đột quỵ, bệnh nhân bắt đầu được điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase (rt-PA) qua dẫn lưu não thất sau khi đã loại trừ dị dạng mạch máu não. Sau 3 lần dùng thuốc tiêu sợi huyết, máu trong não thất đã được tiêu hết, ý thức bệnh nhân cải thiện. Đến ngày điều trị thứ 5, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, rút dẫn lưu não thất và có thể ăn uống được bằng được miệng. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển tuyến dưới. Khoảng 1 tháng sau đến khám lại, bệnh nhân có thể đi lại gần như bình thường.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là tham-kham.jpg

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính đang khám cho bệnh nhân bị chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp. Ảnh: T. Hà

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Đình K (63 tuổi, tỉnh Thái Nguyên) có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Được biết, trước vào viện khoảng 4 ngày, ông K đột ngột xuất hiện đau đầu, được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên trong tình trạng tỉnh, tăng huyết áp. Kết quả chụp cắt lớp sọ não có hình ảnh chảy máu não thất. Đến ngày điều trị thứ 3 thì tình trạng bệnh xấu đi, bệnh nhân xuất hiện hôn mê sâu. Kết quả phim chụp cắt lớp sọ não lần 2 có hình ảnh chảy máu não thất nhiều hơn và giãn não thất cấp. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai.

Tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân được mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài. Khoảng 6 giờ sau mổ dẫn lưu não thất, sau khi loại trừ dị dạng mạch máu não, bệnh nhân được điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase. Sau 1 tuần bệnh nhân được rút dẫn lưu não thất, tỉnh táo hoàn toàn, không có di chứng liệt và được chuyển về tuyến dưới điều trị. Khám lại sau một tháng, bệnh nhân có thể đi lại gần như bình thường.

Kỹ thuật khó, hiệu quả cao

Sau chuyến học tập tại Hoa Kỳ TS. BS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu đã đưa ra ý tưởng áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất vào thực hiện tại khoa Cấp cứu. ThS. BS. Lương Quốc Chính, được giao chính thức tiếp cận và nghiên cứu áp dụng kỹ thuật này tại khoa. Đây cũng là đề tài bác sĩ Chính và nhóm nghiên cứu của Khoa Cấp cứu A9 đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao, công trình khoa học này được coi là nghiên cứu đầu tiên thực hiện bài bản về kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất tại Việt Nam.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là thamkham-615x1024.jpg

Bác sĩ đang mổ dẫn lưu não thất ra ngoài cho bệnh nhân xuất huyết não, chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp. Ảnh: T. Hà

Trước đây có nhiều biện pháp điều trị như nội khoa, dẫn lưu não thất, nội soi não thất… nhưng có nhiều hạn chế và tỷ lệ tử vong cao, từ 40-80%. Được triển khai từ năm 2011, đến nay, kỹ thuật này đã được áp dụng thường quy tại khoa cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ thành công cao (khoảng 80 – 90%), không ít bệnh nhân trong số đó đã hồi phục gần như hoàn toàn. Phương pháp điều trị tiêu sợi huyết trong não thất qua dẫn lưu não thất ra ngoài đã được xem như là biện pháp điều trị can thiệp hiệu quả nhất trong chảy máu não thất cho những bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn chỉ định. TS. BS. Nguyễn Văn Chi đánh giá đây là kỹ thuật cao và rất phức tạp, tiêu chuẩn chọn lựa bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật rất chặt chẽ, nó đòi hỏi phải có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên biệt để đạt được kỹ năng cho phép thực hiện kỹ thuật, phải có phương tiện thiết bị đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật. Kỹ thuật này thực sự là một cứu cánh cho các bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn thực hiện.

BS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, chảy máu não chiếm 10% – 15% trong tổng số khoảng 2 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó biến chứng chảy máu não thất chiếm khoảng 40% và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày liên quan tới chảy máu não thất chiếm từ 40% đến 80%, và thể tích máu được cho là một yếu tố nguy cơ gây tử vong sau chảy máu não. Vì vậy, nếu nghiên cứu áp dụng này thành công sẽ giúp cho các bác sĩ Việt Nam có thêm một biện pháp mới và hiệu quả trong điều trị chảy máu não thất có biến chứng giãn não thất cấp nhằm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, khoa Cấp cứu đang đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ở bệnh nhân chảy máu não thất biến chứng giãn não thất cấp cho các y bác sĩ cấp cứu ở tuyến dưới. Bác sĩ Chính cho biết đây là tiền đề cho bước tiếp theo là đào tạo và chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp.

Cả hai kỹ thuật dẫn lưu não thất ra ngoài và tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật cao trong chuyên ngành cấp cứu vào năm 2012 và 2014. Đây là bước đầu tiên trước khi có đề xuất với Bộ Y tế đưa hai kỹ thuật này vào danh mục Bảo hiểm y tế chi trả. Hiện nay hai kỹ thuật này đã được thông qua hội đồng khoa học của Bệnh viện Bạch Mai.

 Theo: Thái Hà (Bác sĩ Nội trú/Tiền phong)

 

Related Posts

Add Comment