Sơ cứu vết đốt do côn trùng

Dấu hiệu và triệu chứng do côn trùng đốt là dấu hiệu của sự truyền nọc độc hay chất độc nào đó qua da. Nọc độc gây đau và đôi lúc kích ứng. Mức độ nghiêm trọng của phản ứng phụ thuộc sự nhạy cảm của cơ thể với nọc côn trùng và số lần bị đốt.

Phần lớn phản ứng do côn trùng đốt thường nhẹ, có thể gây nên một chút khó chịu, chút ngứa ngáy, cảm giác đau nhói và sưng nhẹ, mất đi trong một ngày hoặc hơn. Phản ứng muộn có thể gây nên sốt, phát ban, đau khớp và sưng hạch.

Bạn có thể phải trải qua cả hai loại phản ứng tức thì và phản ứng muộn. Chỉ một số nhỏ có phản ứng nguy hiểm (phản ứng phản vệ) với nọc côn trùng. Các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm:

– Buồn nôn

– Sưng mặt

-Khó thở

-Đau bụng

– Hạ huyết áp, suy tuần hoàn (shock)

Vết đốt do ong, ong bắp cày, ong vàng và kiến lửa thường gây khó chịu nhất. Vết đốt do muỗi, ve, ruồi đốt, kiến, bọ cạp và một số loại nhện có thể gây phản ứng. Bọ cạp và kiến đốt thường rất nghiêm trọng. Mặc dù hiếm nhưng một số loài côn trùng cũng mang bệnh như vi rút phía Tây sông Nile, bệnh Lyme.

Với các phản ứng nhẹ

– Chuyển đến nơi ở an toàn tránh bị đốt.

– Lấy ngòi ra khỏi da phòng ngừa sự giải phóng thêm của chất độc vào cơ thể. Sau đó rửa với xà phòng và nước sạch.

– Chườm túi lạnh hoặc vải bọc đá để làm giảm đau và sưng.

– Dùng thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil, Motrin,…), acetaminophen (Tylenol,…).

– Bôi kem làm giảm đau và giảm ngứa. Kem có chứa các thành phần như hydrocortisone, lidocaine, pramoxin giúp làm giảm đau. Các loại kem khác như nước xịt calamine hoặc các sản phẩm chứa chất keo bột yến mạch hoặc bột baking soda giúp giảm ngứa.

– Dùng thuốc kháng histamine có chứa diphenhydramine (Benadryl…) hoặc chlorpheniramine maleate (Chlor-Trimeton…)

Các phản ứng dị ứng có các triệu chứng sau: nôn nhẹ, co thắt ruột, tiêu chảy, vết đốt sưng có đường kính hơn 10 cm. Gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng này.

Với các phản ứng nguy hiểm

Các phản ứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nhiều tới cơ thể hơn là vết đốt đơn thuần đồng thời có thể tiến triển rất nhanh chóng. Cần gọi cấp cứu hỗ trợ khi có các dấu hiệu sau:

– Khó thở

– Sưng môi hoặc họng

– Ngất xỉu

– Choáng váng

– Rối loạn tri giác

– Nhịp tim nhanh

– Phát ban

– Buồn nôn, chuột rút, nôn.

Cần ngay lập tức tiến hành những thao tác sau trong khi đợi cấp cứu:

1. Kiểm tra thuốc dị ứng nạn nhân có thể dùng được như epinephrine tự động (EpiPen, Twinject). Dùng thuốc theo chỉ dẫn bằng cách cắm thuốc tự động vào đùi và giữ vài giây. Sau đó mát xa nơi tiêm khoảng 10 giây để tăng cường hấp thu.

2. Nới lỏng quần áo chật sau đó đắp chăn cho bệnh nhân. Không uống bất cứ thứ gì.

3. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng tránh chất nôn hay máu từ miệng gây bít tắc đường thở.

4. Tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) khi không có dấu hiệu của tuần hoàn như thở, ho hoặc cử động.

Nếu bác sĩ chỉ định dùng epinephrine tự động, đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và yêu cầu những thành viên khác trong gia đình đọc kĩ hướng dẫn này.

Nghiêm Huyền Trang[1]

Hoàng Thanh Tùng[2]

[1] HMU English Club

[2] Bác sĩ Nội trú K39 chuyên ngành Mắt, Đại học Y Hà Nội

Theo: Mayo Clinic

Related Posts

Add Comment